ẢNh đại diện

Gia công chế tạo

Gia công chế tạo

Tháo gỡ khó khăn cho ngành cơ khí chế tạo

Theo đánh giá của Bộ Công thương, năm 2012, do khó khăn chung của nền kinh tế, cho nên các doanh nghiệp cơ khí (DNCK) gặp nhiều thách thức, sức mua giảm, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng, tỷ lệ tồn kho cao.

 

     Các dự án cơ khí trọng điểm vẫn tiếp tục triển khai và được tạo điều kiện thực hiện,tuy nhiên, các DN vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngành vẫn chưa đồng bộ, triệt để.

Yếu và thiếu
     Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) đánh giá, hiện nay, ngành cơ khí trong nước rất yếu so khu vực và thế giới. 10 năm qua, mặc dù đã có một số DN có điều kiện đầu tư quy mô lớn máy móc, thiết bị hiện đại, có khả năng chế tạo được các sản phẩm chất lượng cao thay thế hàng nhập khẩu, nhưng số DN này quá ít ỏi và cũng đang gặp nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển. 10 năm qua, dòng sản phẩm cơ khí lắp ráp, hàng kết cấu, thiết bị nâng hạ, lắp ráp ô-tô được đầu tư nhiều, khoảng một tỷ USD, còn ngành đóng tàu là hai tỷ USD. Trong khi đó, khu vực chế tạo máy do ít được đầu tư, cho nên chậm phát triển, sau 10 năm chưa xây dựng thêm được một nhà máy mới nào về chế tạo máy, dẫn tới tình trạng cơ khí chế tạo (CKCT) nước ta phát triển lệch.
     VAMI cũng cho biết, trong số 24 dự án thuộc danh mục cơ khí trọng điểm được Chính phủ phê duyệt thì chỉ có năm dự án được thực hiện. Mục tiêu sản phẩm cơ khí (SPCK) trong nước đáp ứng 45 đến 50% nhu cầu trong nước và xuất khẩu 30% không đạt được như Chiến lược phát triển cơ khí của Chính phủ đề ra theo Quyết định 186/2002/QÐ-TTg. Mỗi năm, nước ta phải tốn hàng tỷ USD nhập máy móc, thiết bị về để xây dựng các công trình, phát triển các ngành công nghiệp trong nước, trong khi ngành CKCT Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần nhỏ bé, thậm chí nhiều người còn cho rằng, chúng ta đang mất thị phần, "thua trên sân nhà". Minh họa cho thực trạng đáng buồn này là hầu hết các dự án nhiệt điện trong nước đều rơi vào tay tổng thầu nước ngoài, trong khi các DNCK trong nước rất ít, hoặc không được tham gia phần việc nào. VAMI cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên là do các cấp, các ngành chưa thật sự nhận thức đúng về vị trí, vai trò cần thiết xây dựng và phát triển công nghiệp cơ khí; các cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đủ tạo điều kiện để khuyến khích, phát triển ngành cơ khí; các nguồn lực của ngành bị phân tán, không có cơ chế tích tụ.
     Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các DNCK gặp khó khăn là thiếu vốn (chiếm hơn 50% số DN). Lợi nhuận của các DNCK chỉ đạt bình quân từ 3 đến 5%/năm, trong khi ngân hàng đang cho vay với lãi suất lên tới 15 đến 17%/năm (trước đây là hơn 20%) thì không DN nào dám vay bởi nếu vay là cầm chắc thua lỗ. Ngành cơ khí cũng thuộc diện được vay vốn ưu đãi nhưng trong suốt 10 năm qua cũng chỉ có khoảng tám dự án được vay vốn ưu đãi nhưng lãi suất vẫn còn rất cao. Chẳng hạn như năm 2011, vốn vay ưu đãi dành cho DNCK của Ngân hàng Phát triển Việt Nam ở mức 14,4%/năm. Bên cạnh đó, do chính sách thắt chặt tín dụng thời gian qua, cho nên nhiều DNCK muốn tiếp cận vốn ngân hàng không được đã phải tìm đến các nguồn vốn khác với lãi suất cao hơn, đồng nghĩa với rủi ro và nguy cơ phá sản cao hơn.
     Luật Ðấu thầu được ban hành từ năm 2005 đến nay đang "bó chân bó tay" chính các DNCK Việt Nam khi chỉ chú trọng đến yếu tố giá mà không tính tới nguồn gốc xuất xứ, tỷ lệ nội địa hóa. Thực tế, nhiều công trình sử dụng vốn nhà nước nhưng trang thiết bị đều nhập khẩu. Ðó là chưa kể, hiện nay, có quy định nhập khẩu thiết bị đồng bộ thì thuế suất bằng 0%, dẫn tới chỉ khuyến khích các DN nhập khẩu máy móc, thiết bị, trong khi để chế tạo những máy móc đó, DNCK trong nước chỉ nhập khẩu một số bộ phận quan trọng trong thành phần thiết bị mà trong nước chưa chế tạo được thì vẫn phải chịu thuế nhập khẩu.
     Thực tế, thời gian qua, đầu tư của ngành cơ khí còn phân tán, chưa đồng bộ, chưa có một cơ sở chế tạo nào đủ mạnh để làm đòn bẩy thúc đẩy ngành phát triển. Việc hỗ trợ và phối hợp, liên kết chưa thực hiện được cũng vì thiếu những chuyên ngành cơ khí cần thiết như các dự án sản xuất phôi thép rèn, đúc chất lượng cao áp dụng công nghệ tiên tiến, thiếu các cơ sở có máy móc gia công, chế tạo lớn, hiện đại; thiếu cả những nhà máy sản xuất thép chuyên dùng cho chế tạo các sản phẩm cơ khí...
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
     Ðể ngành CKCT trong nước phát triển, VAMI cho rằng, Chính phủ cần phải coi cơ khí là một ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm độc lập tự chủ về kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Do đó phải xây dựng ngành cơ khí đủ sức cạnh tranh, vươn lên trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, khắc phục tình trạng bao cấp trong đầu tư phát triển ngành cơ khí; có các chính sách khuyến khích, áp dụng bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, tập trung vào các nhóm sản phẩm có lợi thế và phù hợp lộ trình hội nhập và thông lệ của WTO.
     Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ cho rằng, một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc có nền cơ khí chế tạo phát triển như ngày nay thì cách đây hàng chục năm, Chính phủ những nước này đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ các DNCK trong nước.  Ðể thực hiện CNH, HÐH đất nước thành công thì phải phát triển công nghiệp CKCT. Không thể "thả nổi" ngành CKCT theo cơ chế thị trường như các ngành công nghiệp khác mà cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước trên các phương diện quy hoạch, kế hoạch và chính sách. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các DNCK được tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi hơn hiện nay. Bảo lãnh tín dụng cho các DNCK vay vốn nước ngoài, hoặc nguồn vốn lưu động phục vụ việc chế tạo thiết bị cần vốn lớn, chu kỳ sản xuất dài. Xem xét, nghiên cứu giảm thuế thu nhập DN nhằm tạo điều kiện cho các DNCK có khả năng tích lũy vốn để đầu tư chiều sâu.
     Bộ Công thương cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các "giải pháp mạnh" hỗ trợ ngành cơ khí trong nước thông qua cơ chế tạo đơn hàng, chỉ định thầu hoặc chỉ định đấu thầu trong nước các phần việc mà các DNCK trong nước thực hiện được, nhất là đối với các gói thầu EPC quy mô lớn. Ðối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, cần chỉ định thầu hoặc tổ chức đấu thầu trong nước. Nếu DN nước ngoài tham gia thầu phải liên danh hoặc làm thầu phụ với nhà thầu trong nước (nhà thầu trong nước là đơn vị đứng đầu liên danh). Máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ của dự án cần được phân định rõ ràng: Phần thiết bị chính để bảo đảm chất lượng cao, công nghệ tiên tiến được đấu thầu quốc tế có chỉ định xuất xứ hàng hóa và phần thiết bị phụ, kết cấu thép... có khả năng chế tạo trong nước thì cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt để tạo thuận lợi cho các DNCK trong nước. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần LISEMCO (Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam-LILAMA) cho rằng, vốn đầu tư đối với các DNCK rất quan trọng, song điều quan trọng hơn, để tạo "cú huých", bước chuyển lớn, thì Nhà nước cần làm "bà đỡ", tạo điều kiện cho các DNCK đủ khả năng được tham gia các dự án công nghiệp lớn mặc dù bước đầu quá trình sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhà nước cần mạnh dạn, tin tưởng các DN thì họ mới có điều kiện tích lũy được năng lực, kinh nghiệm và tài chính để vươn lên, làm chủ các dự án tiếp theo.
     Về phần mình, bản thân các DNCK cũng cần phải chủ động cơ cấu lại sản xuất, tìm hướng đi thích hợp cho DN, tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị DN, tìm mọi cách giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng; mở rộng thị trường, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết quá trình sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới để mở rộng thị trường xuất khẩu và tranh thủ tiếp thu công nghệ mới.
     Nhằm tăng cường nội địa hóa các thiết bị cơ khí, VAMI cùng với Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) và tám DN lớn đề xuất Chính phủ có chính sách nội địa hóa áp dụng cho các dự án nhiệt điện nhằm nâng cao năng lực của DNCK trong nước, góp phần giảm nhập siêu và kiềm chế lạm phát. Những đề xuất này hoàn toàn phù hợp với các chủ trương, chính sách của Chính phủ. Cuối tháng 11-2012, tại Quyết định số 1791/QÐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cơ chế thí điểm thực hiện thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012-2015.
     Về tư vấn thiết kế và công nghệ, cần thực hiện chuyên môn hóa các cơ quan nghiên cứu cơ khí hiện có, xây dựng các dự án khoa học công nghệ cần phù hợp các SPCK trọng điểm nhằm tạo nguồn kinh phí cho các cơ sở nghiên cứu cơ khí hoạt động hiệu quả. Hợp tác các cơ sở nghiên cứu cơ khí trong nước với các công ty tư vấn nước ngoài trong chuyển giao công nghệ, đào tạo. Nhà nước cũng cần hỗ trợ trong công tác này. Theo Viện trưởng NARIME Nguyễn Chỉ Sáng, hiện, sức cạnh tranh của ngành cơ khí rất yếu, thiếu sự trợ giúp của Nhà nước thì ngành cơ khí không thể phát triển được. Ðể các SPCK Việt Nam có thể cạnh tranh với các nhà cung cấp nước ngoài và đặc biệt là các nhà cung cấp khu vực thì cần nâng cao năng lực tư vấn thiết kế và năng lực chế tạo, trong đó giải pháp nâng cao năng lực tư vấn thiết kế là việc cần làm trước vì giá trị phần công việc tư vấn thiết kế chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng giá trị công trình, lại có giá trị gia tăng cao.
     Các bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện và hỗ trợ các DNCK phát triển đúng hướng, đúng quy luật theo phương châm chuyên môn hóa sâu, hợp tác hóa rộng, tránh đầu tư trùng lặp và cạnh tranh gây thiệt hại cho DN và nền kinh tế. Sớm sắp xếp lại khối các DNCK nhà nước, tạo sức mạnh liên kết, hợp tác đầu tư sản xuất cho toàn ngành, củng cố nguồn lực cho các tập đoàn đã thành lập tạo được sức mạnh chủ lực cho ngành CKCT cả nước.

                                                                     theo nhandan.com.vn

 

Chia sẻ